Xin gửi lời cám ơn đến Thạch Lam và K.G Paustovsky

Mùng năm, tháng năm, đi chợ Thiếc

Như tôi vẫn thường hay viết rằng tôi là người rất mê Chợ Lớn. Tôi có thể đi chơi Chợ Lớn từ những nhà hàng đến những quán lề đường, từ điểm sấm trong khây tinh tươm ở Trần Xuân Hòa cho đến hộp vú heo nướng bốc khói gần Lê Quang Sung, ăn sương sáo Gia Phú và thưởng chè ở An Điềm... Viết về Chợ Lớn thì phải viết nhiều nửa nhưng nay tôi xin về về việc đi chợ Thiếc tết Đoan Ngọ.

Tết Đoan Ngọ hay mùng năm, tháng năm là một trong những ngày lễ có ý nghĩa với người Hoa nói riêng và dân nam bộ nói chung. Với người Hoa đó là người diệt sâu bọ, diệt những điều không tốt. Với người miền tây như tôi thì đó là dịp cúng đất, cúng vườn mong cho cây trái sinh trưởng, ra hoa kết trái. Tôi không phải người Hoa, tôi cũng chẳng liên quan gì tới người Hoa ở mức gia đình, tôi có thể nói một tí tiếng Phổ Thông cũng như tiếng Quảng Đông nhưng tôi vẫn là người Việt. Dù thế tôi vẫn thích văn hóa người Hoa, ăn bánh ú và bánh bá trạng là một trong những điều mà tôi ảnh hưởng từ những nét văn hóa đó. Đương nhiên là tôi không quá đi sâu vào tín ngưỡng cũng như tâm linh, cúng kiến. Nên tôi chỉ bắt chước mỗi cái... ăn thôi. Do vậy mà năm nào cứ vào mùng năm tháng năm là tôi cũng ăn hai món này và tôi cũng chia sẽ những thức quà đó cho những người bên cạnh như một cách thể hiện tình cảm dịp lễ. Bánh bá trạng và bánh tro thì được bán khắp nơi trong Sài Gòn, bạn có thể mua được ở hầu hết các khu chợ hay thậm chí là siêu thị mini. Nhưng tôi thì tôi luôn thích mua ở chợ Thiếc, hay chính xác hơn là trên đường Trần Quý. Mỗi năm vào dịp này, nếu không quá bận tôi sẽ cố thức thật sớm tùy vào nơi tôi cư ngụ và phóng xe một mạch ra chợ Thiếc phía đường Trần Quý. Năm nào cũng vậy, con đường này luôn đầy ắp những cô chú bán bánh bá trạng và bánh tro. Bánh bá trạng được để trong khay riêng, bán theo cái. Bánh tro thì được bán theo chùm từ mười đến mười hai, mười bốn cái một chùm. Bánh tro cũng có kích cỡ, nhỏ, vừa và đôi khi to gần bằng bánh bá trạng. Thú thiệt thì tôi chẳng biết lò nào hay xe nào ngon. Tôi cứ mua theo cảm tính thôi. Thường thì tôi có một khứa quen mặt, một tay bán hàng ỏng ẹo dễ thương. Năm nào tôi cũng mua của hắn, có năm hắn chỉ bán bánh bá trạng, có năm thì bán toàn bánh tro, hoặc có khi hắn bán cả hai loại nhưng tôi đi trễ nên chỉ còn một loại. Thường những lúc như thế tôi hay hỏi hắn nên mua loại còn lại ở xe hoặc sạp nào. Hắn sẽ vui vẻ và chỉ cho tôi kèm theo một số đặc điểm nhận dạng như trước cửa tiệm gạo này hay hàng thuốc bắc kia. Năm nay tôi không thấy khứa đó đâu cả, thế nên tôi lại quen thói đảo xe qua lại. Tôi thấy có một cô bán có vẻ sắp hết, đẩy xe qua lại và chốc chốc lại có người mua. Tôi đoán chắc xe này bánh ngon nên tấp vào. Lúc này có một bác người Hoa cũng đang mua, tôi nghe bác nói bằng tiếng Quảng rằng bánh này ngon, có hai trứng muối... Tôi mua luôn ba cái và không quên hỏi cô rằng nên mua bánh tro ở đâu. Cô chỉ qua bên đường, mà bên đường có tới mấy tiệm. Nên tôi tấp đại một tiệm và mua hai chùm bánh tro. Hiện tại tôi vẫn chưa ăn bánh khi viết bài viết này, tôi không chắc sẽ ngon hay không nhưng tôi không quá quan tâm điều đó. Thiệt sự tôi hoàn toàn có thể mua trong siêu thị hoặc chợ Bà Chiểu gần nhà. Nhưng đôi khi thứ tôi thích lại chẳng mấy liên quan tới bánh trái mà chỉ là sáng sớm tết Đoan Ngọ, chạy xe một đoạn dài ra chợ Thiếc, ngắm ngía từng xe bánh trên con đường, vào chọn mua vài cái bánh, nói dăm ba câu với người bán, thế là vui rồi.

Có lẻ tôi sẽ còn ghé chợ Thiếc nhiều lần nửa trong tương lai, vào cái buổi sáng tết Đoan Ngọ. Hai bên đường đầy ắp bánh tro, bánh bá trạng, xương rồng, cơm rượu. Một cảm giác rất thú vị, rất Sài Gòn. Mà đất Sài Gòn cũng như người Sài Gòn thì luôn đẹp đẽ, dễ mến.

Chợ Thiếc

Trần Quý, Quận 11, Sài Gòn