Xin gửi lời cám ơn đến Thạch Lam và K.G Paustovsky

Bia tươi 152A, bến quê của tôi

Đã lâu lắm rồi tôi không viết cái gì nửa, hôm nay tự nhiên rãnh rỗi nên ngồi trước máy tính gõ vài dòng kể về đời sống ăn nhậu tai hại của mình.

Tuy tôi đề tựa có cái bến quê trong đó nhưng thiệt là bài này chỉ lòng vòng Sài Gòn chứ không có cái bến nào hết và ở quê, tôi cũng chẳng có mấy ấn tượng với cái bến nào hết. Bến Quê ở đây là một truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu mà tôi từng được học thời phổ thông. Câu chuyện kể về một người phi công và những ngày tháng ở với gia đình sau khi bị thương. Đương nhiên là lúc đó tôi cũng chẳng hiểu nỗi cha nội Nhĩ trong bài, tại sao phải bắt thằng con đi long nhong làm gì. Chuyện đó cũng dần chìm trong đầu tôi, vốn dĩ tôi dốt văn mà.

Sau này, lớn hơn chút, tôi lên Sài Gòn trọ học ở Quận 8. Đoạn đường đi từ Khoa Học Tự Nhiên về Cao Lỗ tôi hay đi ngang đường Tạ Quang Bửu. Trên con đường đó có một quán bia hơi đề cái bảng "Bia hơi/5k". Hết năm nhứt, năm nhì rồi năm ba, tôi không đếm nổi rằng mình đã đi đi về về cái con đường đó bao nhiu lần. Bao nhiêu lần đó cũng là bấy nhiêu lần tôi ngó vào cái quán bia kia, đôi lúc tôi thầm nghĩ rằng mình có nên bước vào không? Cuối cùng là không. Tôi sợ, ngại hoặc là một cảm xúc nào nó ngăn trở nên chẳng bước vào. Dù rằng hơn một lần tôi tự hứa với mình sẽ ghé vào đó một dịp nào đó như qua môn, vấn đáp đồ án tốt hay chỉ là sắp được về quê. Đương nhiên bằng một cách kỳ lạ nào đó mà tôi đều qua môn và đều vấn đáp tốt nhưng buồn cười là tôi cũng chẳng hề bước vào đó.

Kết thúc những năm tháng học hành, tôi bước vào đời với sự nghèo khó và một trời tự ti. Tôi cũng không ở Cao Lỗ nửa mà dời qua Dương Bá Trạc. Kể từ đó, tôi cũng chẳng đi qua quán bia đó nửa. Những năm đó là thời gian mà tôi đạp chiếc xe đạp chạy khắp nơi trong Sài Gòn, từ cầu Công Lý đến sân bay, từ Tân Phú qua Cống Quỳnh để mưu sinh giữa cái đô thành này. Quán bia đó cũng dần từ đó dạo đó mà chìm sâu trong một miền ký ức cũ kỹ nào đó. Đến chừng cách đây chừng hai năm đổ lại, tôi lại một lần nửa chuyển nhà. Nhưng lần này là lên hẳn khu Gia Định. Những ngày chuyển giao đó, tôi hay xách xe máy đi lung tung đâu đó trong Quận 8 xem mình có bỏ quên gì không. Tôi đi đến tận Trung Sơn, qua chợ Phạm Thế Hiển rồi ghé nhà thờ Nam Hải. Nơi cuối cùng tôi ghé đến là phòng trọ xưa ở Cao Lỗ. Trên đường đi tôi chợt thấy lại quán bia năm xưa, nó vẫn ở đó không di dời, vẫn tấm bảng vàng chử xanh và đôi ba cái bàn gỗ. Lúc đó, không hiểu sao trong lòng tôi bừng lên một suy nghĩ rằng phải ghé vào, ghé cho bằng được. Cứ vậy mà tôi ghé vào quán, lúc này khoảng hơn sáu giờ tối, quán đã có hai ba bàn ngồi. Chủ quán là một người dáng mảnh khảnh nhỏ nhắn, anh ta hỏi tôi dùng bia chai hay bia hơi. Tôi chọn bia hơi vì dù sao đó cũng là thứ tôi muốn thử. Sau đó, tôi lật lật cuốn thực đơn và gọi một đĩa cơm chiên kèm một phần bò nướng xiên thì phải. Sau đó, chủ quán bưng ra cho tôi một ly bia to tướng như kiểu mấy ly bia thủ công cỡ to cùng một cái xô đá để lên bàn. Phụ việc trong quán là một cậu thanh niên chừng gần đôi mươi và má của chủ quán, một bà má Sài Gòn hiền từ. Tôi đưa bia lên và từ từ uống, mà không hiểu từ từ thế nào mà tôi uống gần hết dù đồ ăn chưa ra đến. Đến lúc có đồ ăn thì quán cũng đông dần, những người bạn trẻ ngồi vui cười với nhau, đôi ông bạn già ngồi nhâm nhi hay là một ông cụ nào đó ngồi một mình thinh lặng chỉ uống mỗi một chai Tiger. Có thể do bia hoặc do sự thi vị hoá giả tạo nào đó mà lúc đó tôi lại thấy cái cảnh tượng trong quán bia đó đẹp đẽ vô cùng, dù đây là một kiểu quán nhậu mà tôi chẳng lấy gì làm thiện cảm. Nhưng mà nó đẹp, đẹp một cách khó tả. Nó làm tôi nhớ đến quán bia của bác Alphonse trong tác phẩm Drei Kameraden của nhà văn mà tôi lấy làm mến mộ. Bình dân, bát nháo nhưng hay ho, vâng nó là vậy đó. Anh chủ quán dù không to lớn cũng như không thủ sẵn cái búa như bác Alphonse nhưng cũng vừa đi vừa cầm trên hai tay bốn ly bia to tướng. Lúc đó tôi thầm nghĩ rằng có khi nào xung quanh đây cũng tồn tại những Gottfried Lenz, Otto Köster đang ngồi đâu đó trong những đám tụm năm tụm bảy kia. Biết đâu cũng có anh chàng Robert Lohkamp đang chờ nàng Patrice Hollmann của mình tại đây. Mà chắc cũng không có đâu, tôi tưởng tượng ấy mà, bia hay làm con người ta mụ mị, nhứt là với những kẻ yếu lòng tin như tôi lúc này. Nhưng dù sau cũng vui khi tìm được một nơi mà đôi lúc khi đi đâu đó xa xứ này tôi có thể nhớ về mà tặc lưỡi "Ngày nào đó tôi còn thèm ánh sáng kinh đô..."

Từ hôm đó, tôi hay ghé quán những khi rãnh rỗi. Có thể theo một cách hiểu mụ mị nào đó tôi nghĩ rằng có thể đây là cái Bến Quê mà Nhĩ vẫn luôn nghĩ về trên giường bệnh. Tôi đã nghĩ định viết kết bài theo kiểu là đôi lúc con người ta cứ chạy theo một ước mơ xa xôi thì sẽ bỏ qua những thứ bên mình. Nghe cũng được cơ mà chẳng được lắm, cứ sến sến sai sai. Thôi thì chỉ là đôi lúc đừng nên bỏ qua những quán nhậu quanh ta, nhỡ đâu lại bỏ qua mất mấy quán nhậu hay ho. Ha ha...

Bia tươi 152A

152A Tạ Quang Bửu, P. 3, Quận 8, Sài Gòn