Xin gửi lời cám ơn đến Thạch Lam và K.G Paustovsky

Mười năm một dĩa bánh cuốn

Tự nhiên nghĩ lại cái khoảng thời gian tôi ở Sài Gòn. Chắc có lẻ cũng được mười một năm lẻ, hay nói kiểu khác là đã hơn mười năm tôi sống ở cái đô thành này. Nghĩ đến con số đó tự nhiên tôi lại nghĩ tới một câu của Nguyễn Du cũng có liên quan đến mười năm. Câu đó là Thập Tải Phong Trần, hay còn gọi là "Mười năm gió bụi". Nghĩ lại mình cũng có đến mười năm gió bụi ở Sài Gòn. Theo chân tôi trong suốt mười năm hơn này chắc chỉ có một số ít quán xá. Hôm nay, tôi sẽ nói về cái số ít đó. Một quán bánh cuốn tôi rất chi là ưng bụng.

Nói về tiệm bánh cuốn này thì phải kể về những ngày đầu trong cái Thập tải phong trần của tôi. Hồi đó tôi trọ bên Quận 8 xa tận trong Cao Lỗ và đi học ở Nguyễn Văn Cừ. Ngày nào đạp xe đi học cũng phải đạp qua cầu chử Y, đổ dốc xuống đường Nguyễn Biểu để mà đi tới trường. Thời đó tôi toàn ăn bánh sáng ở gần nhà chứ ít khi ăn ở trên đường đi học vì... tiếc tiền, chỉ ăn những món quen cho an toàn cái màng túi. Cho đến một ngày tôi đi qua ngã tư Nguyễn Biểu, Trần Hưng Đạo thì thấy có quán cơm tấm đề giá mười lăm ngàn. Tôi tấp vào ăn thử và dính luôn với cái quán cơm tấm đó. Chuyện về quán cơm tấm tôi sẽ kể vào dịp khác. Chủ yếu là vì quán cơm tấm đó lại kế bên một quán bánh cuốn. Quán bánh cuốn kế bên đông khách vô cùng, người ngồi ăn cho đến người mua mang đi luôn tấp nập. Tôi lúc đó còn chưa biết bánh cuốn là gì, nên một hôm mon men qua ăn thử. Kết quả là tôi dính với cái quán này hơn mười năm. Nói về không gian thì quán này cũng như bao quán lề đường khác. Quán có một cái thùng trà đá to, vài ba cái bàn ghế nhựa và một cái tủ kính để đựng các loại chả và rau. Kế bên cái tủ đó đương nhiên là cái nồi để làm bánh cuốn luôn nghi ngút khói. Nói về đồ ăn thì quán chỉ bán đúng hai món là bánh cuốn và bánh ướt. Hai món đó thì món nào tôi cũng mê hết. Nếu để so sánh thì thú thiệt tôi mê hai món đó như nhau. Lý do thì tôi sẽ kể ở phần nói về bánh ướt. Còn bây giờ thì sẽ nói về nhân vật chính hôm nay, bánh cuốn. Nếu nói về banh cuốn, hẳn nhiều người sẽ mơ về một chiếc bánh cuốn đầy đặn, nhân ú nụ đầy những thịt, nấm và củ sắn. Những khối nhân đó sẽ được cuốn trong một lớp vỏ mong tang, mỏng đến mức có thể nhìn thấu vào bên trong. Mỗi lần gấp một miếng bánh lên là nhân bên trong sẽ rơi ra dĩa vì quá nhiều. Đó là một giấc mộng đẹp nhưng có lẻ bánh cuốn ở 148 sẽ cho chúng ta một tí "vỡ mộng". Bánh cuốn ở đây không to, không hề có cái vẻ ú nụ và đầy đặn. Vỏ bánh cũng không phải dạng mỏng manh, thay vào đó nó khá dày, dày hơn những nơi khác. Nhân bên trong cũng không quá nhiều, chỉ có một tí nhân vừa đủ bỏ vào bánh. Nhưng chớ thấy sự tréo ngoe đó mà coi thường. Chính trong cái vẻ ngoài rất chi là bình thường đó mà dĩa bánh cuốn ở đây đã theo tôi trong suốt hơn mười năm gió bụi. Nhân bánh tuy dày nhìn không hề ngán khi ăn, ngược lại nó mềm mại và dẻo thơm trong miệng. Nhân bánh thì thay vì rạch ròi giữa củ sắn, thịt bằm và nấm thì ở đây mọi thứ quện vào nhau thành một khối. Cái phần bánh dẻo và dày, ôm lấy phần nhân cũng dẻo đó. Cho môt tí nước mắm lên hoặc là nhúng tất cả vào chén nước mắm nóng hổi, rồi đưa lên miệng. Ba thứ trên hòa quyện vào nhau trong khoang miệng để rồi sau đó chia nhau ra đánh chiếm khắp nơi sau mỗi nhịp nhại. Giờ tôi mới thấ cái bánh dày cộm kia lợi hại ra sao. Phần bánh như tan trong miệng đó như một chất kết dính nhân và nước mắm lại. Tạo nên một vị ngon đầm thắm và đủ đầy một cách hết sức tinh tế. Ngoài bánh cuốn ra thì những món ăn kèm cũng thú vị không kém. Trái ngược với phần bánh rất chi đầm thắm thì ba miếng chả lụa, nem và chả quế lại vô cùng lực lưỡng. Căn miếng nào là ngập răng miếng đó. Cuối cùng là một ngôi sao sáng chói của dĩa bánh, bánh tôm. Bánh tôm ở đây là kiểu bánh tôm có hẳn thịt tôm bên trong. Lát cắt của bánh khá dày, dày đến mức tôi thấy được màu đỏ của thịt tôm và màu vàng của đậu xanh. Vỏ bánh khá giòn nhưng bên trong lại mềm và dẽo, tất cả tạo nên một sự nhu cương đối lập thú vị khi cắn vào. Cứ thế mà ba thực thể từ bánh cuốn mềm dẻo, chả săn chắn cho đến bánh tôm giòn tan liên tục ra đòn để hạ gục luôn sự nghi ngờ ban đầu của thực khách. Tôi cũng là một thực khách như thế, kẻ bị bộ ba đó đô hộ trong suốt hơn mười năm. Mà nói xong về bánh cuốn thì quay lại lý do tại sao tôi mê bánh ướt như là bánh cuốn. Đơn giản là ngoài nhân ra thì hai loại đó hoàn toàn giống nhau, từ chả, bánh tôm, rau ăn kèm và đặc biệt là bánh ướt. Bánh ướt ở đây tuy gọi là bánh ướt nhưng thực ra có thể xem đó như là vỏ bánh cuốn. Thay vì nấu và mua sẵn thì khi thực khách muốn ăn bánh ướt, quán sẽ lặp lại một công đoạn giống hết như khi làm bánh cuốn. Điểm khác biệt chỉ là không cho thêm nhân vào thôi. Từ phần bánh ướt được làm tại chổ, dẻo thơm, nóng hổi và thơm ngon vô cùng. Ngoài món ăn ra thì tôi cũng rất thích cách phục vụ ở đây. Ở đây mọi người đều nhanh nhẹn và niềm nở. Đặc biệt là ông chủ quán kiêm vai trò điều phối và thu tiền. Lúc nào ổng cũng mặc một cái áo thun có cổ, đầu đội nón, ngồi gần cái bình nước và điều phối mọi hoạt động của quán. Tôi thì luôn thích những quán ăn mà có những "đầu lĩnh" như thế. Phần cuối cùng chắc sẽ là về giá cả. Nói thiệt là tôi không nhớ bánh cuốn ở đây bao nhiêu một dĩa, nhưng chắc mẫm là dưới ba mươi ngàn. Ở trên tuy tôi nói bánh ở đây không phì nộn, ú nụ nhưng ăn cũng khá là no chứ không phải quá ít đâu. Ngoài ra đây còn là một trong những quán ăn giữ giá lâu nhất mà tôi biết. Tôi đã ăn ở đây từ năm 2012, cái thời mà chỉ có mười lăm ngàn một phần. Và họ giữ cái giá tiền mười lăm ngàn đó đến tập gần năm 2020.

Sau hơn mười năm sống ở Sài Gòn, hình ảnh dĩa bánh cuốn ở 148 Nguyễn Biểu cùng ông chủ ngồi kế thùng trà đá luôn là điều tôi rất quý mến. Có thể đây là một tiệm bánh cuốn lề đường, tìm khắp Foody đến Google đều không có. Nhưng với tôi nơi này vẫn sẽ luôn là một trong những tiệm bánh cuốn ngon nhất.

Bánh cuốn Nguyễn Biểu

148 Nguyển Biểu, Quận 5, Sài Gòn